Thiết kế Queen Elizabeth (lớp thiết giáp hạm)

Vũ khí trang bị

Kiểu hải pháo 381 mm (15 inch) trở thành một vũ khí hoàn toàn thành công trong phục vụ. Chúng tin cậy và độ chính xác cực cao, cho phép bắn những loạt đạn pháo khá chụm ở khoảng cách 18 km (20.000 yard). Tuy nhiên, thiết kế đạn pháo kém đã làm giảm hiệu quả chung trong trận Jutland, nhưng điều này được khắc phục bằng sự ra đời của kiểu đạn pháo "Green Boy" ưu việt vào năm 1918. Những khẩu pháo này vẫn còn có tính cạnh tranh trong giai đoạn Thế Chiến II sau khi được nâng cấp nhiều lần đạn pháo và bệ gắn có góc nâng lớn hơn, và HMS Warspite từng ghi được một phát trúng đích kỷ lục trong trận Calabria, cho đến nay vẫn là một trong những phát đạn hải pháo bắn trúng ở cự ly xa nhất trong lịch sử.

Vỏ giáp

Lớp vỏ giáp bảo vệ được cải biến từ lớp Iron Duke trước đó, với một đai giáp dày hơn và cải thiện việc bảo vệ bên dưới mực nước. Quy mô của lớp vỏ giáp sàn tàu không được rộng rãi, như là một áp dụng thực hành thường thấy vào thời đó. Tuy nhiên, bốn chiếc trong lớp đã sống sót trải qua một lượng đạn pháo trúng đáng kể trong trận Jutland khi phục vụ trong Hải đội Thiết giáp hạm 5, nên cũng được đánh giá là thỏ đáng vào thời đó.

Hỏa lực hạng hai

Như được thiết kế và áp dụng trên Queen Elizabeth, pháo 152 mm (6 inch) Mk XII được bố trí trong những ụ pháo súng trên sườn tàu, với sáu khẩu được điều khiển mỗi bên mạn tàu trong những ụ súng trên sàn bên trên, giữa tháp súng B và ống khói thứ hai, cùng hai khẩu trong những ụ súng thân tàu mỗi bên mạn trên sàn chính giữa các tháp súng X và Y, với tổng cộng mười sáu khẩu.

Việc bố trí dàn pháo hạng hai 152 mm (6 inch) trên những ụ súng trên sườn tàu làm giảm đáng kể dự trữ nổi của con tàu, vì chúng làm tràn nhiều nước khi di chuyển. Trong thực tế, các ụ pháo sẽ tràn nước ngay cả khi di chuyển ở tốc độ đường trường trong vùng biển động.[6] Thêm vào đó, việc bố trí tiếp đạn cho các khẩu pháo 6 inch tương đối bị bộc lộ; trong trận Jutland, điều này đã đưa đến hậu quả một đám cháy đạn bên trên chiếc HMS Malaya khiến suýt làm mất con tàu.[7]

Các khẩu pháo bố trí trên sàn tháp chỉ huy phía trước được bổ sung trên mọi chiếc trong những năm 1915-1916, như trên chiếc Warspite sau trận Jutland.

Chẳng lâu sau đó, người ta nhận ra là bốn ụ pháo phía sau đuôi của Queen Elizabeth ít khi được dùng đến và bị tháo bỏ và hàn kín, còn trên những chiếc khác thì được hoàn tất mà không có chúng. Các ụ pháo phía mũi tàu trên mọi con tàu đều được thay thế bằng hai khẩu pháo bảo vệ bằng các tấm chắn bố trí trên sàn tháp chỉ huy trước, một khẩu mỗi bên mạn tàu. Mười khẩu pháo vốn không còn dùng đến cho lớp Queen Elizabeth (hai khẩu mỗi con tàu) được sử dụng để trang bị cho năm chiếc thuộc M29 vào năm 1915.

Các khẩu pháo bố trí trên tháp phía trước được tháo bỏ vào năm 1916, để lại một cấu hình sau cùng gồm mười hai pháo 152 mm (6 inch) trên các ụ súng thân tàu cho đến những năm 1930. Dàn pháo hạng hai trên mỗi chiếc sau đó được hiện đại hóa theo các mức độ khác nhau và được mô tả chi tiết trên mỗi chiếc.

Đánh giá

Ở một số khía cạnh, những con tàu trong lớp không đáp ứng hoàn toàn những yêu cầu cực cao. Chúng bị quá tải trầm trọng, do hậu quả của tầm nước quá lớn và không đạt được tốc độ thiết kế 46,3 km/h (25 knot) trong hoạt động. Dù sao, sự kết hợp nhiên liệu dầu đốt và có thêm nhiều lò đốt cho phép chúng đạt được khoảng 44,5 km/h (24 knot) trong hoạt động, vẫn là một cải tiến hữu ích so với tốc độ 38,9 km/h (21 knot) của hàng thiết giáp hạm truyền thống, và đủ nhanh để được xem là những thiết giáp hạm nhanh đầu tiên. Tuy nhiên, sau trận Jutland, Đô đốc John Jellicoe bị thuyết phục rằng con tàu chậm nhất của lớp chỉ đạt được tốc độ khoảng 42,6 km/h (23 knot), và đi đến kết luận rằng, vì đây được xem là tốc độ của hải đội, sẽ không an toàn nếu mạo hiểm đưa chúng ra hoạt động tách xa khỏi lực lượng chính.

Mặc dù có những vấn đề như vậy, hầu hết chúng được làm giảm nhẹ trong hoạt động. Những chiếc tàu chiến được hạm đội đón nhận và chứng minh sự thành công vượt trội trong chiến đấu. Việc tiết kiệm trọng lượng, chi phí và nhân lực do chỉ sử dụng dầu đốt đã được thể hiện đầy sức thuyết phục, cũng như những lợi ích của việc tập trung vũ khí mạnh hơn vào ít bệ pháo hơn.

Lớp tàu này được nối tiếp bởi lớp Revenge, sử dụng cấu hình của Queen Elizabeth và tiết kiệm tốc độ tối đa xuống còn 38,9 km/h (21 knot) như tốc độ tiêu chuẩn của hàng thiết giáp hạm.

Con tàu dự định tiếp cho chiếc Queen Elizabeth là một thiết giáp hạm nhanh chưa được đặt tên có độ nổi cao, dàn hỏa lực hạng hai được bố trí không bắt nước, một tầm nước nông và một tốc độ tối đa đạt ít nhất 55,6 km/h (30 knot). Tuy nhiên, Đô đốc Fisher đã thay đổi nó thành một kiểu tàu chiến-tuần dương nhanh hơn nữa nhưng có vỏ giáp mỏng hơn. Trong tổng số bốn chiếc trong lớp, chỉ có chiếc HMS Hood được hoàn thành. Cho dù lớp vỏ giáp được vội vã bổ sung trong quá trình chế tạo, mà về phương diện lý thuyết làm cho nó tương đương với Queen Elizabeth, Hải quân Hoàng gia nhận thức rõ những khiếm khuyết được khắc phục phần nào và luôn xếp loại Hood như một tàu chiến-tuần dương mà không phải là một thiết giáp hạm.

Liên quan